‘Nghe’ Mỹ, Ukraine không cho Trung Quốc thâu tóm hãng động cơ máy bay

Mỹ và Ukraine lo ngại việc Trung Quốc thâu tóm hãng sản xuất động cơ máy bay để có được công nghệ quân sự quan trọng.

Động cơ máy bay của hãng Motor Sich tại một cuộc triển lãm
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIA
Tờ Nikkei Asia ngày 18.3 đưa tin Ukraine sẽ không để một công ty Trung Quốc thâu tóm hãng sản xuất động cơ máy bay của nước này, sau khi Mỹ phản đối vì lo ngại công nghệ quân sự quan trọng sẽ lọt vào tay Bắc Kinh.
Kyiv dự định sẽ kiểm soát công ty Motor Sich, chấm dứt nỗ lực của công ty Beijing Skyrizon Aviation thâu tóm, sau nhiều năm tranh cãi về số phận của hãng.
“Doanh nghiệp Motor Sich sẽ được trả lại cho người dân Ukraine. Quyền sở hữu hãng sẽ được trả lại cho Ukraine theo cách hợp pháp, hợp hiến trong tương lai gần”, theo ông Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine.
Quyết định trên khiến Trung Quốc nổi đóa vì nước này có tầm quan trọng về kinh tế ngày càng tăng đối với Ukraine kể từ khi mối quan hệ giữa Kyiv và Moscow đổ vỡ sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea vào năm 2014.

Tiêm kích J-20 của Trung Quốc

REUTERS

Nhưng khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington dẫn đến việc phải chọn phe thì Kyiv ưu tiên mối quan hệ với Mỹ, đối tác an ninh quan trọng hơn.
“Ukraine là một đất nước chiến tranh, không thể đáp ứng việc trao một doanh nghiệp có tầm quan trọng thiết yếu đối với năng lực quốc phòng của Ukraine vào tay một bên không phù hợp”, ông Danilov phát biểu trên truyền hình.
Nga từng là khách hàng lớn nhất của hãng Motor Sich trước khi sáp nhập Crimea. Việc kinh doanh bị ảnh hưởng khiến Motor Sich gặp khó khăn và phải mở cửa với công ty Skyrizon của Trung Quốc.

Công ty hàng không này của Trung Quốc muốn thâu tóm Motor Sich trong vài năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực của Skyrizon trong việc nắm số cổ phiếu kiểm soát cách đây vài năm qua đã bị cơ quan chức năng Ukraine cản trở.
Mỹ xem việc Trung Quốc tiếp cận với công nghệ về phát triển động cơ máy bay quân sự là mối đe dọa đối với các láng giềng, trong đó có đồng minh Nhật Bản của Mỹ. Vào năm 2019, Nhà Trắng cử Cố vấn an ninh quốc gia khi đó là ông John Bolton đến Kyiv để thúc đẩy chính phủ ngăn chặn việc thâu tóm.
Vũ khí Mỹ, Pháp, Đức thắng thế, Nga, Trung Quốc giảm khách hàng?

Tình hình trở nên phức tạp sau khi Skyrizon nắm cổ phần đa số của Motor Sich nhưng việc sở hữu cổ phần này gây tranh cãi. Vào tháng 1, Skyrizon tìm cách tổ chức đại hội cổ đông.
Cũng trong tháng 1, Ukraine và Bộ Thương mại Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận đối với công ty này, khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích và Skyrizon kiện ra tòa quốc tế.
Ông Danilov cho biết Kyiv muốn quyền kiểm soát hãng Motor Sich thuộc về đội ngũ quản lý người Ukraine chứ không phải quốc hữu hóa công ty. Dự kiến đảng cầm quyền của Ukraine sẽ soạn thảo dự luật để triển khai kế hoạch này trong vào 2-3 tuần tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat hỗ trợ
Chat ngay