(VTC News) – Chuyên gia cho rằng, để có được Elon Musk và SpaceX, những tập đoàn công nghệ mang tầm thế giới thì Việt Nam cần có tầm nhìn toàn cầu, đào tạo nguồn nhân lực từ sớm.
Bao giờ Việt Nam có SpaceX, Google, Facebook?
Việc Mỹ thành công trong việc phóng tàu vũ trụ Crew Dragon bằng tên lửa Falcon 9 do SpaceX chế tạo mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực du hành không gian thương mại.
Có thể thấy ông chủ SpaceX – Elon Musk làm thay đổi bộ mặt hàng không vũ trụ của Mỹ và thế giới. Không những thế, nước Mỹ còn có nhiều cái tên, những tập đoàn khổng lồ thay đổi công nghệ thế giới như Google, Apple, Facebook, Microsoft… hay Trung Quốc cũng có những cái tên lớn như Huawei, Alibaba,….
Chia sẻ quan điểm về thành công của nước Mỹ, đặc biệt trường hợp của Elon Musk và SpaceX sau khi phóng thành công tàu vũ trụ Crew Dragon, TS.Trần Việt Hùng, Founder của Got It (một startup tên tuổi tại Silicon Valley, Mỹ) đánh giá: “Đây là việc làm rất khó mà hiện cả thế giới cũng chỉ có một vài quốc gia thực hiện được”.
CEO Hùng Trần – Founder Startup GotIt!. (Ảnh: NDH)
“Trong thế giới khoa học công nghệ ai cũng biết nhà sáng lập của SpaceX – Elon Musk, là một người cực kỳ tài giỏi và có tầm nhìn vĩ đại, ở mức cả thế hệ chỉ có một.
Ông ấy cũng tận dụng được những tài nguyên rất giá trị của nước Mỹ cũng như thu hút được những người giỏi nhất có kinh nghiệm nhất tham gia vào đội ngũ của mình, trong đó có rất nhiều người từng làm việc tại NASA và được chính phủ Mỹ ký kết các hợp đồng có giá trị lớn”.
Ông Hùng đánh giá rằng, việc tạo ra một công ty khác giống với SpaceX là khá hiếm, “kể cả có nhiều tiền cũng không thể muốn là làm được”.
Nêu quan điểm về các sản phẩm của Việt Nam tại sao “sớm nở chóng tàn”, TS Hùng Trần cho rằng, để làm ra một sản phẩm hay dịch vụ công nghệ rất khó, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Silicon Valley. Tỷ lệ các công ty khởi nghiệp công nghệ bị thất bại và đóng cửa ngay trong năm đầu tiên vẫn là 9/10.
“Một sản phẩm hay dịch vụ công nghệ có cơ hội sống sót chỉ khi nó có một thị trường tốt, phần lớn các công ty công nghệ thất bại là do làm ra những thứ không ai cần hoặc làm ra những thứ mà không thể nào có thể có doanh thu.
Thế nên nhiều sản phẩm ở Việt Nam chưa thành công cũng không có gì là lạ, ít nhất thì cũng đã có những thế hệ các nhà sáng lập dám bắt tay vào làm một cái gì đó theo kiểu từ 0 tới 1”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Hoài Nam (Cựu chủ tịch Emotiv System, một startup tên tuổi tại thung lũng Silicon Valley, Mỹ) nhận định nếu Việt Nam muốn đạt được những thành tựu nhất định về công nghệ phải phụ thuộc nhiều yếu tố.
“Thời điểm hiện tại Việt Nam khó có được các sản phẩm khoa học công nghệ cao như vậy vì chúng ta không có nền khoa học cơ bản. Vì muốn có được nền công nghệ phát triển thì trước tiên cần có những thành tựu về khoa học cơ bản. Đó là việc căn bản nhất trước khi bàn đến các chính sách của nhà nước.
Ở nước ta chỉ đang ở mức ứng dụng khoa học công nghệ, các kỹ sư ở nước ta có thể phát triển công nghệ nhưng không có nghĩa họ có thể bắt nguồn từ cái gốc khoa học”, ông Nam phân tích.
Ông Đỗ Hoài Nam – Cựu chủ tịch Emotiv System. (Ảnh: CafeF)
Cựu chủ tịch Emotiv System phân tích, ngoài việc chưa có nền tảng khoa học cơ bản, việc khác nhau về văn hoá nói chung cũng là một trong những lý do khiến chúng ta chưa có sản phẩm công nghệ thực sự chất lượng.
“Văn hoá của mình tập trung vào việc tạo ra đồng tiền trước và rất ít người tạo ra giá trị bền vững lâu dài trước khi tạo ra đồng tiền. Điều đó bắt nguồn từ việc nước chúng ta xuất phát điểm không phải là nước giàu có, bị đô hộ bóc lột cả nghìn năm,…
Đặc biệt trong thời kì mở cửa thị trường tất cả mọi thứ đều được tập trung vào việc tạo ra đồng tiền. Việc tập trung vào vấn đề trước mắt, ngắn hạn thì tiền là quan trọng nhất.
Khi nào người ta nhìn được cái sâu xa hơn 10 năm 20 năm hay 100 năm sau thì việc tạo ra giá trị mới quan trọng chứ không phải là tiền”, ông Nam nói.
Tên lửa đẩy đưa phi hành gia Mỹ lên không gian ngày 31/5. (Ảnh: SpaceX)
Để ví dụ cho việc Việt Nam mới chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, chưa có được cái nhìn xa hơn ông Nam dẫn chứng việc các mạng xã hội mới ra đời nhưng đã rơi vào tình trạng “chết yểu”.
Ông Đỗ Hoài Nam nói: “Các nhà phát triển tại Việt Nam nhìn thấy những nhà phát triển mạng xã hội khác đang kiếm tiền tốt thì cũng làm nhưng họ chưa nhìn ra được giá trị tương lai của nó.
Câu hỏi đặt ra là nền tảng gì nên làm, nền tảng gì không nên làm. Bây giờ nếu chúng ta phát triển một mạng xã hội thì đó phải là nền tảng xã hội của tương lai chứ không phải là nền tảng mạng xã hội bây giờ”.
Vì chuyên gia này so sánh, khi đã có Facebook thì Tiktok vẫn phát triển được vì đó là 2 ý tưởng hoàn toàn khác nhau. Người dùng Facebook thích trải nghiệm bằng hình ảnh, bằng chữ viết.
Nhưng thế hệ từ năm 2000 trở đi người dùng lại thích trải nghiệm bằng hình ảnh động, họ có thể bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để quay video, cũng như các thế hệ trước bỏ ra cả tiếng đồng hồ chỉ để biên một cái tút.
“Như vậy có thể thấy Tiktok đã tạo ra một nền tảng hoàn toàn mới dành cho thế hệ khác không bị phụ thuộc vào nền tảng của thế hệ cũ, đó là điều làm nên thành công của TikTok”, ông Nam nói.
Nêu quan điểm của mình, TS. Nguyễn Duy Tâm (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) cho rằng, thật khó để đưa ra một dự đoán khi mà chúng ta mới chỉ bắt đầu.
Tuy nhiên, ít nhất chúng ta có thể tự hào những sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại ở trong nước, hay phần nào đó là VinFast với những bước đi đầy tham vọng mạnh mẽ.
TS. Nguyễn Duy Tâm (Đại học Nanyang, Singapore). (Ảnh: NVCC)
“Chúng ta cần kiên định với những chính sách mới ưu đãi hơn trong việc đào tạo và thu hút nhân tài, kết hợp giữa nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa.
Đặc biệt bên cạnh công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, chúng ta cần tập trung phát triển các ngành nghiên cứu cực kỳ quan trọng khác như khoa học vật liệu, công nghệ năng lượng, cơ khí tự động hóa…
Thành quả chỉ có thể đạt được khi chúng ta dốc sức thực hiện. Và với tiềm năng con người như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo ra được những sản phẩm mang tính đột phá công nghệ trong tương lai”, Tiến sĩ Tâm nói.
Bài học tầm nhìn toàn cầu
Chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam, TS Trần Hùng khẳng định: “Đặc tính cố hữu của các sản phẩm công nghệ lớn thành công là khả năng tăng trưởng và lan toả ở mức toàn cầu. Chính vì vậy, để có các sản phẩm tầm cỡ, các nhà sáng lập Việt Nam buộc phải có tầm nhìn toàn cầu”.
Tuy nhiên để làm ra các sản phẩm như vậy, CEO này phải thừa nhận “nói thì dễ, làm thì rất khó”.
Một sản phẩm thành công phải phản ánh được ngôn ngữ, văn hoá, thói quen của từng thị trường khác nhau, không có một sàn phẩm nào chỉ làm một lần và dùng được ở tất cả các thị trường khác nhau mà không phải qua một quá trình cá nhân hoá.
“Các nhà sáng lập phải biến mình thành những công dân toàn cầu, xây dựng được đội ngũ toàn cầu, đa văn hoá thì mới tăng cơ hội làm được các sản phẩm lớn. Để tạo ra các cá nhân như vậy việc đầu tiên chắc chắn vẫn là đầu tư thật tốt, thật tập trung vào đào tạo.
Ở quy mô ngắn hạn, đào tạo kiến thức nền thật là tốt để các sinh viên công nghệ sau khi tốt nghiệp có thể làm một kỹ sư thực thụ chứ không phải là để làm thợ, đào tạo kỹ năng mềm và ngoại ngữ thật tốt để có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hoá.
Ở quy mô dài hạn thì đưa giáo dục STEAM vào càng sớm càng tốt ngay từ cấp 1 cấp 2 cũng như các kỹ năng mềm để thế hệ trẻ có một nền tảng chắc chắn về kiến thức và kỹ năng để có thể tự tin và hiệu quả trong công việc tương lai”, ông Hùng chia sẻ.
Phương pháp STEAM hiện đang được ứng dụng trong giáo dục Việt Nam.
Đồng quan điểm với ông Hùng, TS. Nguyễn Duy Tâm cũng đánh giá tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực. Ông cho rằng, thành tựu mà Mỹ có được là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài về mặt đầu tư vào khoa học công nghệ cũng như kinh tế, thương mại.
“Mỹ luôn là hình mẫu của cả thế giới về việc kết hợp giữa giáo dục, nghiên cứu, phát triển, và thương mại hóa.
Chính sách thu hút và phát triển nhân tài trên toàn thế giới của Mỹ đã tạo điều kiện cho họ có được nguồn tài nguyên được xem là quan trọng nhất của mọi quốc gia, tài nguyên trí tuệ.
Với đặc thù như vậy, họ có rất nhiều những con người là sự kết hợp hoàn hảo giữa một nhà khoa học tài ba và một nhà kinh doanh nhạy bén.
Những tỷ phú công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Elon Musk, trước khi làm kinh doanh, họ đều đang là các sinh viên, nghiên cứu sinh xuất sắc tại các trường Đại học danh tiếng”, TS. Nguyễn Duy Tâm bày tỏ.
Video: Khoảnh khắc Mỹ phóng thành công tàu vũ trụ đưa 2 nhà du hành lên trạm ISS
Nguồn: https://vtc.vn/song-ket-noi/chuyen-gia-cong-nghe-chi-diem-cot-tu-de-viet-nam-co-spacex-elon-musk-ar549385.html