‘Đội quân’ robot đa năng chống Covid-19

Để ngăn chặn Covid-19, nhiều nước triển khai robot với nhiệm vụ phun thuốc khử trùng, đo thân nhiệt và phát hiện người không đeo khẩu trang.

Từ đầu năm, đội robot tuần tra Avidbots Neo bắt đầu vận hành tại sân bay quốc tế Cincinnati (CVG) ở Kentucky (Mỹ). Robot Neo nặng gần 500 kg, trang bị hệ thống AI, kho dữ liệu ảnh và hàng loạt cảm biến khác để hoạt động an toàn bên cạnh con người.

Brian Cobb, Giám đốc đổi mới của CVG, nói, Neo có thể phun thuốc khử trùng bề mặt nhờ hai bình chứa riêng biệt phía sau. Trước CVG, Singapore cũng triển khai đội tuần tra gồm 20 robot Neo tại sân bay rộng nhất thế giới Changi.

Robot Avidbots Neo được sử dụng tại sân bay quốc tế Cincinnati/Bắc Kentucky kể từ đầu năm 2020. Ảnh: CVG.

Robot Neo được sử dụng tại sân bay quốc tế Cincinnati từ đầu 2020. Ảnh: CVG.

Ngoài Neo, các robot khử trùng khác cũng bắt đầu hoạt động nhiều hơn khi Covid-19 bùng phát. Ngay khi phát hiện ổ dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc khởi động chương trình nâng cấp một số loại robot hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Ví dụ, robot tuần tra Artris được gắn thêm hệ thống phun thuốc khử trùng nơi công cộng.

Giáo sư Benjamin Tanner, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Microchem ở Austin, Texas (Mỹ), cho biết một công nghệ khác được áp dụng trên robot là khử trùng bằng tia cực tím công suất cao (UVC) trong nhà. Phương pháp này được các bệnh viện tại Mỹ dùng trong nhiều năm.

Theo Tanner, mỗi robot có thể khử trùng UVC một căn phòng từ 10 phút đến một giờ, tùy công suất của đèn. “Ưu điểm của robot là làm sạch nhiều bề mặt mà nhân viên vệ sinh thường bỏ quên”, ông nhận định.

Hơn nữa, công nghệ khử trùng bằng đèn UVC được đánh giá là tiêu diệt vi khuẩn trong không khí hiệu quả hơn phun thuốc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch, khi giới khoa học nghi ngờ con đường lây nhiễm chủ yếu của Covid-19 là hít phải virus bay lơ lửng trong nhà.

Một số công ty như UVD Robots (Đan Mạch) bắt đầu sản xuất robot khử trùng UVC từ năm 2018. Công ty hiện phân phối robot trên 50 quốc gia. Từ tháng 2, các bệnh viện ở điểm nóng Covid-19 của Trung Quốc cũng bắt đầu dùng công nghệ của UVD Robots.

“Nhu cầu dành cho robot khử trùng UVC bùng nổ từ tháng 12/2019, chúng tôi nhận số đơn đặt hàng cao gấp 2-3 lần so với dự kiến đầu năm 2020”, Per Juul Nielsen, Giám đốc điều hành UVD Robots, cho biết.

Robot khử trùng UVC Youibot tại một bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Youibot

Robot khử trùng UVC Youibot tại một bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Youibot

Theo WSJ, robot khử trùng UVC có thể tự di chuyển trong bệnh viện, vệ sinh các căn phòng với sự giám sát tối thiểu của con người. Chúng ngày càng phổ biến trong các bệnh viện, nhà kho, văn phòng… và giúp làm sạch không gian, bề mặt thường xuyên sau vài giờ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của robot là khử trùng sơ bộ phòng của bệnh nhân Covid-19 trước khi người khác bước vào. Nielsens cho rằng, robot của công ty đang làm công việc gần giống robot từng đi vào nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố và môi trường nguy hiểm khác.

Không chỉ UVD Robots, nhiều startup cũng đầu tư nghiên cứu công nghệ và cung cấp đơn hàng nhỏ khoảng vài chục đến vài trăm robot. Dù chưa rõ thị trường robot khử trùng sẽ tăng trưởng đến mức nào, việc dự trữ robot nhưng thiếu quy trình bảo dưỡng cần thiết có thể dẫn đến tình trạng giống như hàng nghìn máy thở bị hỏng ở Mỹ, khi nhu cầu sử dụng giảm mạnh sau đại dịch.

Jenni Lee, chuyên gia phân tích của công ty GGV Capital, nhận xét Covid-19 làm nổi bật vai trò của robot và công nghệ tự động hóa. Nhiều công ty Trung Quốc đã nhanh chóng điều chỉnh và ra mắt robot tự hành đa năng, có thể tuần tra văn phòng, vận chuyển hàng hóa, khử trùng bằng đèn UVC hoặc phát hiện người bị sốt.

Robot Crurz có thể phát hiện người bị ốm và không đeo khẩu trang. Ảnh: UBTech.

Robot Crurz có thể phát hiện người bị ốm và không đeo khẩu trang. Ảnh: UBTech.

Công ty UBTech Robotics phát triển hai mẫu robot là Crurz và Aimbot, tích hợp hệ thống nhận diện khuôn mặt và đo thân nhiệt. Cả hai được triển khai tại một số bệnh viện ở Thâm Quyến để nhắc nhở người không đeo khẩu trang và cảnh báo người bị sốt. Cruzr cao cấp hơn có thể đóng vai trò trợ lý, giúp bác sĩ kết nối bệnh nhân từ xa để tiến hành đánh giá ban đầu.

Theo Lee, rào cản lớn nhất của công nghệ robot khử trùng là chi phí đầu tư quá cao so với phương pháp truyền thống. Những công việc đòi hỏi sự khéo léo như vệ sinh tay nắm cửa hay nút bấm trong thang máy vẫn cần đến con người. Tuy nhiên, bà hy vọng các công ty tiếp tục cải tiến công nghệ để tạo ra robot nhỏ và thông minh hơn.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả thực sự mà robot khử trùng đem lại. “Các nhà sản xuất robot thường không tự thử nghiệm về hiệu quả của hệ thống đèn UVC và người dùng ít khi quan tâm về vấn đề này”, giáo sư Tanner giải thích. “Một số công ty sử dụng nghiên cứu sẵn có để quảng cáo robot của họ không chỉ tiêu diệt vi trùng, mà còn giảm tỷ lệ lây nhiễm trong bệnh viện”.

Nguồn:

https://vnexpress.net/doi-quan-robot-da-nang-chong-covid-19-4081102.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat hỗ trợ
Chat ngay